MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ CỦA CÂY BẦN KHÔNG CÁNH (Sonneratia apetala Buch-Ham) TẠI THÁI BÌNH
Đỗ Thị Kim Nhung, Lê Văn Thành
Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng
TÓM TẮT
Bần không cánh (Sonneratia apetala Buch-Ham) là loài cây gỗ lớn, sinh trưởng phát triển nhanh, khả năng chịu lạnh cao hơn Bần chua. Bần không cánh được trồng chủ yếu ở vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nghiên cứu một số đặc điểm sinh lý của cây Bần không cánh góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc gây trồng và phát triển Bần không cánh tại Việt Nam. Lá Bần không cánh có độ dày nằm trong khoảng 334,05 µm – 651,92 µm. Độ dày lá ở giai đoạn 1 tuổi là lớn nhất từ 546,92 µm – 651,92 µm. Độ dày của tầng cutin trên và dưới chênh lệch nhau không đáng kể, tầng cutin tỷ lệ thuận với độ dày của lá. Độ dày mô dậu trên, mô dậu dưới ở giai đoạn 1 tuổi là lớn nhất trung bình lần lượt là 179,74 µm và 164,78 µm. Độ dày lá càng cao thì mô khuyết càng lớn. Mô khuyết của lá Bần không cánh ở giai đoạn 1 tuổi là lớn nhất từ 172,26 µm – 187,93 µm, độ dày mô khuyết của lá ở giai đoạn 7 tuổi là nhỏ nhất từ 131,12 µm – 140,25 µm. Số lượng khí khổng của Bần không cánh trong 1 đơn vị diện tích lá từ 32-39cái/mm2. Hàm lượng diệp lục tổng số của Bần không ở giai đoạn 7 tuổi lớn nhất là 2,41-2,47 mg/g, tỷ lệ dla/dlb nằm trong khoảng 2,95-3,21. Hàm lượng N, P2O5, K2O trong lá tăng khi cây càng lớn, biểu hiện rõ rệt nhất là hàm lượng P2O5, K2O. Tổng số muối tan ở giai đoạn 7 tuổi là lớn nhất. Khả năng chịu băng giá ở giai đoạn 3 tuổi của Bần không cánh và Bần chua chưa có sự khác nhau rõ rệt, xu hướng Bần không cánh chịu băng giá tốt hơn Bần chua.
Từ khóa: Bần không cánh; Đặc điểm sinh lý; Rừng ngập mặn.