- THÔNG TIN CHUNG
– Tên đề tài: Nghiên cứu kỹ thuật trồng cây lá rộng bản địa dưới tán rừng trồng ở huyện Sóc Sơn, góp phần hạn chế cháy rừng và nâng cao khả năng phòng hộ môi trường.
– Chủ nhiệm đề tài/dự án: ThS. Phạm Ngọc Thành
– Cơ quan chủ quản: Sở khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội
– Tổ chức chủ trì đề tài/dự án: Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng
– Mã số đề tài: 01C-05/04-2020-4
– Thời gian thực hiện: 36 tháng (từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2023).
- MỤC TIÊU CỦA ĐỀ TÀI
2.1. Mục tiêu chung:
Xây dựng được mô hình rừng hỗn giao các loài cây lá rộng bản địa dưới tán rừng trồng ở huyện Sóc Sơn – Hà Nội nhằm hạn chế cháy rừng, nâng cao khả năng phòng hộ bảo vệ môi trường, cảnh quan và thích ứng với biến đổi khí hậu.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
– Tuyển chọn được ít nhất 3 loài cây lá rộng bản địa thích hợp dưới tán rừng trồng tại huyện Sóc Sơn.
– Xác định được kỹ thuật trồng các loài cây tuyển chọn dưới tán rừng trồng tại huyện Sóc Sơn.
- NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
3.1. Điều tra đánh giá thực trạng rừng trồng ở huyện Sóc Sơn và vùng Đại lải – Vĩnh Phúc, tình hình cháy rừng ở huyện Sóc Sơn.
3.2. Xây dựng bộ tiêu chí chọn loài cây lá rộng bản địa đáp ứng phòng chống cháy và phòng hộ môi trường.
3.3. Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật lâm sinh đến sinh trưởng của cây lá rộng bản địa trồng dưới tán rừng trồng.
3.4. Nghiên cứu đánh giá tiểu hoàn cảnh rừng trồng cây bản địa dưới tán rừng trồng Thông, và Thông xen Keo trên 15 tuổi sau 2 năm nghiên cứu.
3.5. Xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng ít nhất 3 loài cây lá rộng bản địa được lựa chọn dưới tán rừng trồng ở huyện Sóc Sơn.
- KẾT QUẢ ĐỀ TÀI
Thực trạng rừng trồng ở huyện Sóc Sơn và vùng lân cận, tình hình cháy rừng ở huyện Sóc Sơn
– Đặc điểm đất: độ dày tầng đất mỏng đến trung bình, đất có nhiều đá lẫn, đất bí chặt, màu sắc từ nâu xám đến vàng cam. Đất thịt nặng đến sét trung bình, chua mạnh. Hàm lượng đạm, lân, kali dễ tiêu nghèo.
– Đặc điểm các loại rừng: Keo thuần loài mật độ 640 – 1.020 cây/ha, độ tàn che đạt 0,52 – 0,68. Rừng Thông loài mật độ 610 – 990 cây/ha, độ tàn che 0,38 – 0,64. Rừng Thông xen Keo mật độ 400 – 760 cây/ha, độ tàn che 0,38- 0,62. Hầu hết các loại rừng đều bước vào giai đoạn già cỗi, cây sâu bệnh, đổ gẩy và vỡ tán tạo nhiều khoảng trống.
– Vật rơi rụng và thảm tươi đạt trung bình 11,54 – 20,58 tấn/ha sau khi sấy khô kiệt, là nguyên nhân chính gây ra cháy rừng.
– Đặc điểm sinh trưởng các loài Re gừng, Lim xanh, Sao đen trồng Tại Sóc Sơn trồng dưới tán rừng Thông và Keo có sinh trưởng tốt ở các độ tàn che từ 0,5 trở xuống và sinh trưởng thấp ở rừng có độ tàn che cao từ 0,6 trở lên.
– Thực trạng cháy rừng tại Sóc Sơn: Từ năm 2014 – 2020 tại Sóc Sơn đã diễn ra 166 vụ cháy rừng, tổng diện tích rừng bị cháy 180,38ha.
Xây dựng bộ tiêu chí chọn loài
– Đã xây dựng được bộ tiêu chí với 6 tiêu chí để chọn loài cây bản địa phục vụ trồng dưới tán rừng tại Sóc Sơn đáp ứng phòng chống cháy rừng và phòng hộ môi trường. Đã chọn được 6 loài theo bộ tiêu chí phù hợp trồng dưới tán rừng tại Sóc Sơn gồm Dẻ đỏ, Sồi phảng, Lim xanh, Sao đen, Giổi xanh, Re gừng.
Ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật lâm sinh đến sinh trưởng của cây lá rộng bản địa trồng dưới tán rừng trồng
– Dưới tán rừng phòng hộ Keo tại Sóc Sơn thích hợp trồng cây bản địa dưới tán độ tàn che 0,3-0,4. Sau 18 tháng trồng thí nghiệm có 4 loài có tăng trưởng tốt nhất theo thứ tự gồm Sồi phảng, Sao đen, Dẻ đỏ, Giổi xanh.
– Lâm phần bố trí thí nghiệm trồng hỗn giao theo đám : Tỷ lệ sống các loài trồng theo đám sau 18 tháng từ 86 – 96%. 4 loài có tăng trưởng cao nhất thích hợp trồng theo phương thức hỗn giao theo đám dưới tán rừng Thông và Keo tại Sóc Sơn gồm Sồi phảng, Dẻ đỏ, Sao đen, Giổi xanh.
– Lâm phần bố trí thí nghiệm về phân bón tỷ lệ sống của 6 loài đạt từ 87,9 – 95,5%. Các loài Dẻ đỏ, Giổi xanh, Lim xanh có thể bón phân với lượng phân bón gồm 200g NPK + 500g vi sinh hoặc bón 200g NPK 5:10:3 cho mỗi cây hàng năm. Các loài Re gừng, Sao đen, Sồi phảng bón phân với lượng 200g NPK + 500g vi sinh là tốt nhất.
Tiểu hoàn cảnh rừng sau thời gian nghiên cứu thí nghiệm trồng 6 loài cây bản địa dưới tán rừng trồng tại Sóc Sơn sau 18 tháng
Ở nơi có cây bản địa sinh trưởng tốt đã làm tăng khả năng phân huỷ vật rơi rụng và thảm khô của rừng. Độ tàn che đã có sự thay đổi tăng lên do cây đã bắt đầu tham gia vào tầng tán thấp của rừng.