LỄ KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP VIỆN NGHIÊN CỨU SINH THÁI VÀ MÔI TRƯỜNG RỪNG
Ngày 21/12/2020 tại Hà Nội, được sự thống nhất và cho phép của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện.
Dự lễ kỷ niệm có đ/c PGS.TS Trần Quang Bảo – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; đ/c Nguyễn Thành Lệ- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; GS.TS. Võ Đại Hải – Bí thư đảng ủy, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Ban Giám đốc Viện, lãnh đạo các Ban, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cán bộ khoa học đã nghỉ hưu và Đại diện các Sở nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học công nghệ, Chi Cục Lâm nghiệp các tỉnh, Đại diện các doanh nghiệp lâm nghiệp các tỉnh;
Thay mặt Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng, TS. Lê văn Thành – Bí thư Chi bộ, Viện trưởng đã đọc diễn văn Truyền thống kỷ niệm 30 năm thành lập Viện. Trong hành trang 30 năm xây dựng và phát triển, với đội ngũ cán bộ năng động, nhiệt huyết và hết lòng vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học; được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp các ngành, Viện đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại, phấn đấu xây dựng Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng là đơn vị sự nghiệp khoa học góp phần phát triển kinh tế xã hội của ngành Lâm nghiệp.
Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng là đơn vị nghiên cứu chuyên đề trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt nam, tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu ST&MTR được thành lập theo Quyết định số 520 ngày 13/10/1990 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN và PTNT). Ngày 13/12/2012 Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm NC ST&MTR và Bộ phận Tổng hợp, Vi sinh của Trung tâm Công nghệ sinh học Lâm nghiệp theo Quyết định số 3132QĐ-BNN-TCCB ngày 13/12/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trụ sở Văn phòng Viện tại Hà Nội có diện tích là 234m2 và 240m2 vườn ươm có hệ thống tưới tự động khá hiện đại; 306,31 ha rừng và đất rừng phòng hộ bên hồ thủy điện Hòa Bình; 0,89 ha làm trụ sở, trạm quan trắc, vườn ươm… Viện có trang thiết bị hiện đại phục vụ phân tích đất, môi trường, vi sinh và nghiên cứu Sinh lý Sinh thái rừng như: Hệ thống công phá mẫu bằng lò vi sóng (Topwave), Hệ thống phân tích cacbon và nitơ (TOC/TN), Máy đo quang phổ khả kiến hai chùm tia (UV/VIS), Máy Quang kế ngọn lửa FP 910, Máy chưng cất đạm tự động UDK 149, Máy đo cường độ quang hợp… hiện đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp. Ngoài ra đơn vị có trạm quan trắc khí tượng tự động đặt tại Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Môi trường, tỉnh Hòa Bình.
Trong suốt 30 năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ NN &PTNT, lãnh đạo Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, các đơn vị chuyên môn trong và ngoài Viện. Viện NC ST&MTR đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ sở khoa học, các hướng dẫn kỹ thuật về quản lý và sử dụng bền vững đất lâm nghiệp và tài nguyên rừng; sinh lý sinh thái cá thể, quần thể, quần xã thực vật rừng, công nghệ vi sinh; định giá, lượng giá và đánh giá môi trường rừng.
Ba mươi năm, một chặng đường không dài đối với lịch sử phát triển của một đơn vị nghiên cứu khoa học, nhưng những thành tựu đã đạt được là sự nỗ lực phấn đấu và cống hiến liên tục của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động của Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng. Những thành tựu đó đang và sẽ được các thế hệ CBVC nối tiếp phát huy và phát triển.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động của Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng đã luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bằng tâm huyết và nghị lực, với sự cố gắng phi thường, tập thể cán bộ Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng đã đạt được những thành tựu về:
Nghiên cứu về đất và lập địa
Đã phân hạng đất trồng rừng sản xuất cho các loài cây chủ yếu.
Đã đánh giá tiềm năng sản xuất đất lâm nghiệp cho các vùng sinh thái khác nhau làm cơ sở quy hoạch và phát triển tài nguyên rừng.
Đã ứng dụng công nghệ Viễn thám và GIS vào điều tra kiểm kê rừng.
Đã ứng dụng hiệu quả công nghệ và mô hình canh tác trên đất dốc. Nhiều mô hình phục hồi rừng và sử dụng đất dốc, đất ngập nước đã được nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao cho các địa phương như tại Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Giang, Cà Mau, Hải Phòng, Ninh Bình, vv.
Về rừng ngập mặn: Viện là một trong những đơn vị có những thành tựu nổi bật về lĩnh vực nghiên cứu đất, lập địa và sinh thái rừng ngập mặn, đã triển khai nhiều mô hình từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Đặc biệt, đã chuyển hóa được nhiều diện tích rừng trồng ngập mặn ở 7 tỉnh ven biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An thành rừng giống. Kết quả cơ bản đã đáp ứng yêu cầu giống cây ngập mặn có chất lượng cao phục vụ cho trồng rừng vùng cửa sông, ven biển các tỉnh miền Bắc, nâng cao chất lượng rừng, phát triển rừng ngập mặn bền vững, tăng cường phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đã phân tích, đánh giá 7.790 mẫu đất; 2.450 mẫu thực vật; 1.265 mẫu nước, môi trường và vi sinh vật cho nhiều nhiệm vụ KHCN bằng hệ thống thiết bị hiện đại.
Nghiên cứu về sinh lý sinh thái rừng
Các nghiên cứu cơ bản về nhu cầu dinh dưỡng, khoáng, nước và chế độ bón phân cho Keo, Bạch đàn, Giáng hương, Dẻ đỏ, Kháo vàng, Cóc hành, Chò chỉ,…. đã đóng góp quan trọng cho việc xây dựng các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật về trồng và phục hồi rừng. Đã xác định điều kiện gây trồng và đề xuất các giải pháp kỹ thuật gây trồng cho một số loài cây như Ươi, Cọc rào, Dẻ ván, Cóc hành, Bần chua, Bần không cánh, Đước, Mắm, vv.
Môi trường và Biến đổi khí hậu:
Kết quả nghiên cứu về lượng giá, định giá rừng, hấp thụ các bon, suy thoái rừng, diễn biến môi trường và biến đổi khí hậu, đã cung cấp các cơ sở khoa học cho việc xây dựng Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao chất lượng rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, tác động tích cự đến công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Các nghiên cứu cơ bản về môi trường lâm nghiệp, xây dựng tiêu chí phân chia rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy thoái nghiêm trọng; Phân tích phát thải do chuyển đổi rừng; xây dựng phương trình tính toán phục vụ kiểm kê khí nhà kính trong lâm nghiệp.
Trong hành trình phát triển, một số cán bộ của Viện đã tham gia hướng dẫn thạc sỹ và tiến sỹ, ngoài ra Viện cũng luôn quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ nghiên cứu, hiện đơn vị có 4 viên chức đang được đào tạo tiến sĩ ở Úc, Hàn quốc, Liên bang Nga; 2 viên chức đang học thạc sĩ ở Đức và Nhật; 01 nghiên cứu sinh trong nước. Trong 6 năm qua Viện đã xuất bản 8 bài báo quốc tế, 63 bài báo trên tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước, chủ trì và tham gia xuất bản 26 đầu sách liên quan đến đất, lập địa và môi trường lâm nghiệp. Năm 2015 và 2019 đã được Bộ NN&PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật.Đã được Bộ NN&PTNT công nhận 03 tiến bộ khoa học kỹ thuật “kết quả nghiên cứu sinh lý cây Ươi”, “Quy trình công nghệ nhân sinh khối in vitro và sản xuất chế phẩm AM” vào .
Ghi nhận những kết quả hoạt động của Viện, ngày 10/11/2013 Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2010 đến năm 2012. Bộ NN&PTNT 2 lần tặng Bằng khen tại Quyết định số 1949 ngày 26/5/2015 và Quyết định số 2294 ngày 16/9/2019. Ba cá nhân được Chủ tịch nước tặng huân chương lao động hạng 3, một cá nhân được tặng bằng khen Thủ tướng, 4 cá nhân được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Đặc biệt, ngày 17/12/2020 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2122/QĐ-TTG tặng Bằng khen cho Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần xây dựng CNXH và Bảo vệ tổ quốc.
Tự hào với truyền thống 30 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác chuyên môn và phát triển xứng tầm với vị thế là đơn vị hàng đầu cả nước trong lĩnh vực Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng.