Nghiên cứu kỹ thuật trồng Bần không cánh (Sonneratia apetala Buch-Ham) góp phần phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng cửa sông, ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
Chủ nhiệm đề tài: TS. Lê Văn Thành
Thời gian thực hiện: 2016-2021
Mục tiêu của đề tài:
-Xác định được một số đặc điểm sinh lý, sinh thái liên quan đến khả năng phòng hộ chắn sóng của loài Bần không cánh.
– Xác định được kỹ thuật nhân giống và trồng rừng Bần không cánh ở vùng cửa sông, ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Nội dung chính của đề tài
– Điều tra đánh giá thực trạng gây trồng Bần không cánh hiện nay và chọn địa điểm xây dựng mô hình thí nghiệm:
– Nghiên cứu một số đặc điểm sinh lý, sinh thái và vật hậu
– Chọn cây mẹ ưu trội và khảo nghiệm giống Bần không cánh
– Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật trồng, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nhân giống và kỹ thuật trồng Bần không cánh
Kết quả của đề tài
– Bần không cánh hiện được trồng ở vùng ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, điều kiện gây trồng từ thuận lợi đến khó khăn: thể nền từ bùn mềm đến đất cát pha. Độ lún bàn chân khi đi < 5cm – 35cm. Độ mặn nước biển từ thấp đến tương đối cao (7‰ -19‰). Mức độ ngập triều từ nông đến sâu.
– Tại tỉnh Thái bình, Bần không cánh và Bần chua sau 7 – 8 năm trồng hỗn giao các chỉ tiêu sinh trưởng của Bần không cánh đều cao hơn Bần chua. Bần không cánh có khả năng sinh trưởng phát triển tốt ở vị trí nằm sâu trong đất liền (3 km) như ở xã Giao Lạc, Giao Thủy, Nam Định, ngập triều nông, thời gian ngập triều trong ngày rất ít (< 6h/ngày). Sau 2 năm trồng ở tỉnh Thanh Hóa, sinh trưởng D00 của Bần chua lớn hơn Bần không cánh, Dt của Bần không cánh lớn hơn Bần chua, các chỉ tiêu sinh trưởng khác của 2 loài Bần tương đương nhau. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế sau 2,5 năm trồng ở huyện Phú Vang, Bần không cánh, Bần chua và Đước đôi có tỷ lệ sống cao (> 90%), Bần không cánh cho sinh trưởng D00, Hvn, Dt cao nhất, Hdc thấp nhất.
– Độ dày lá Bần không cánh trên cây 1-2 tuổi lớn nhất trung bình 594,04 µm, lá già tích muối nhiều giúp thải muối nên dày hơn lá non và lá bánh tẻ, độ dày của lá ở cây 3-4 tuổi và 7-8 tuổi chênh lệch nhau không đáng kể. Lá càng bị ngập nước, tích muối càng nhiều, độ dày lá càng lớn. Tỷ lệ mô khuyết/mô giậu của Bần không cánh lớn hơn Bần chua, giúp Bần không cánh thích nghi cao hơn khi gặp điều kiện bất lợi về độ mặn và lạnh rét. Bần không cánh là loài cây ưa sáng mạnh. Cây càng nhiều tuổi hàm lượng N, P2O5, K2O tổng số trong lá càng cao, cây càng lớn càng có nhu cầu dinh dưỡng cao. Tổng số muối tan, Na+, Cl– ở giai đoạn từ 7-8 tuổi lớn hơn giai đoạn từ 2-3 tuổi, ở những nơi có độ mặn cao thành phần chủ yếu là Na+ và Cl– các tuyến tiết muối càng mạnh.
– Bần không cánh rụng lá, ra lá mới và nảy chồi quanh năm. Cây ra nụ tháng 4 – 7, ra hoa tháng 5 – 7. Hình thành quả và quả xanh tháng 5 – 9, quả chín tháng 8 – 9. Các pha vật hậu của Bần không cánh tại các địa đểm chênh lệch nhau không đáng kể.
– Đã chọn được 46 cây mẹ/trội Bần không cánh trên 2 lâm phần (cồn Dải Áo và cồn Đồng Bào) tại xã Đông Hoàng, Tiền Hải, Thái Bình ≥ 6 tuổi, có khả năng cung cấp giống, sinh trưởng D00, Hvn, Dt > trung bình lâm phần, Hdc ≤ trung bình lâm phần; góc phân cành lớn (≥ 450); đã ra hoa kết quả ≥ 2 năm, cây mẹ có chất lượng trên mức trung bình, trong đó: Cồn Đồng Bào chọn được 34 cây mẹ. Cồn Dải Áo chọn được 12 cây mẹ.
– Sau 3,5 năm khảo nghiệm xuất xứ: Tại Thái Bình tỷ lệ sống của 6 xuất xứ ở mức cao; xuất xứ Hải Nam, Ayeyarwady và Tiền Hải cho sinh trưởng D00, Hvn, Dt cao nhất, chọn 3 xuất xứ này để gây trồng phát triển ở vùng ven biển Bắc Bộ. Tại Thanh Hóa xuất xứ Tanintharyi và Ayeyarwady cho tỷ lệ sống và sinh trưởng cao nhất; tiếp đến là xuất xứ Quảng Đông tương đương với xuất xứ Tiền Hải, nên chọn 4 xuất xứ này để gây trồng phát triển ở vùng ven biển Bắc Trung Bộ. Bần không cánh trồng trên điều kiện lập địa đất cát pha (cát 90-94%), khi đi không lún, ngập triều trung bình cho tỷ lệ sống và sinh trưởng cao hơn nơi trồng có thể nền bùn mềm, độ lún bàn chân khi đi ≥ 40 cm, ngập triều sâu.
– Sau 3,5 năm khảo nghiệm hậu thế cho 32 gia đình so với giống đại trà (đối chứng) kết quả: tại Thái Bình có 29 gia đình từ 1 – 26, 30 – 32; tại Thanh Hóa có 20 gia đình gồm 1, 3 – 6, 8, 12, 15 – 20, 22- 24, 26, 27, 29; cho tỷ lệ sống cao, sinh trưởng D00, Hvn, Dt vượt giống đại trà ≥ 10% được chọn làm cây mẹ cung cấp giống ở vùng Bắc Bộ (29 gia đình) và Bắc Trung Bộ (20 gia đình).
– Hệ số đa đạng di truyền trung bình của Bần không cánh là 0,257 tương đối cao, xuất xứ Tanintharyi (MY1) có tính đa dạng di truyền cao nhất. Phân tích PcoA xuất xứ VN2 phân bố khá riêng biệt và có khoảng cách di truyền xa hơn so với các xuất xứ còn lại, các mẫu thuộc 5 xuất xứ còn lại phân bố rộng và xen lẫn với nhau.
– Bảo quản hạt giống bằng cách cho cả quả chín vào bao tải ngâm ở nơi luôn luôn bị ngập trong nước biển có độ mặn thấp (≤ 10‰); Xử lý hạt giống bằng phương pháp ngâm hạt trong nước ấm nhiệt độ ban đầu 400C trong thời gian 8 giờ, vớt ra rửa sạch, cho hạt vào túi vải ẩm đem ủ 3-5 ngày, rửa chua hàng ngày, kiểm tra thấy hạt nứt nanh đem gieo; Cấy cây mạ có chiều cao từ 5 – 10 cm từ luống gieo vào bầu; Thành phần ruột bầu 90% bùn chặt lấy ở lớp mặt nơi ngập mặn + 9% phân hữu cơ vi sinh + 1% Supe lân hoặc 100% bùn chặt lấy ở lớp mặt, sâu từ 0 – 20 cm nơi ngập mặn; cho thời gian bảo quản, tỷ lệ hạt nảy mầm, tỷ lệ sống và chất lượng cây giống Bần không cánh khi xuất vườn đạt cao nhất.
– Trồng Bần không cánh trên điều kiện lập địa khó khăn, thể nền cát pha, tỷ lệ cát nhiều (cát 90-94%), kết dính kém, ngập triều trung bình, chịu trực tiếp sóng và gió biển ở tỉnh Thái Bình hoặc ở vùng Bắc Bộ nơi có điều kiện lập địa tương tự, tốt nhất là trồng cây 12 hoặc 16 tháng tuổi, không trồng cây 20 tháng tuổi; Mật độ trồng 1666 cây/ha hoặc 2000 cây/ha, không trồng 2500 cây/ha; Nên trồng Bần không cánh hỗn giao với Bần chua tỷ lệ 1:1 vào đầu năm, hạn chế trồng thuần loài, nếu trồng Bần không cánh thuần loài, trồng phía trong, dải rừng Bần chua (5 hàng Bần chua) phía ngoài giáp biển, không trồng Bần không cánh hỗn giao với Trang; Khi trồng cần bóc vỏ bầu.
– Trồng Bần không cánh trên điều kiện lập địa khó khăn, ngập sâu, thể nền bùn mềm, độ lún bàn chân khi đi rất sâu (≥ 40 cm), cát chiếm khoảng 50%, chịu trực tiếp sóng và gió biển ở Thanh Hóa hoặc vùng ven biển Bắc Trung Bộ nơi có điều kiện lập địa tương tự tốt nhất là trồng cây 16 hoặc 20 tháng tuổi, không nên trồng cây 12 tháng tuổi; Mật độ trồng 2500 cây/ha, nếu cần giảm chi phí đầu tư trồng mật độ 2000 cây/ha; Ưu tiên trồng Bần không cánh hỗn giao với Bần chua tỷ lệ 1:1, hạn chế trồng Bần không cánh thuần loài, nếu trồng thuần loài thì trồng Bần không cánh phía trong, không trồng Bần không cánh hỗn giao với Trang; Khi trồng cần bóc vỏ bầu.
– Bần không cánh có khả năng chịu lạnh tốt hơn Bần chua, chịu được độ mặn của nước biển từ mức thấp đến khá cao (5 – ≤ 30‰), thích hợp nhất là < 25‰; Lượng phù sa trong khu vực trồng rừng Bần không cánh được tích tụ bồi lắng dày hơn nhiều so với nơi bãi trống, Tại Thanh Hóa trồng ở cửa sông lớp phù sa cố định hàng năm trung bình 7,0 cm/năm, dày hơn ở Thái Bình (4,2 cm/năm); Thủy triều thấp và trung bình (< 3m) dải rừng Bần không cánh 3,5 tuổi, mật độ 2000 cây/ha, chiều rộng 100 m có khả năng ngăn cản sóng đến 90%, thủy triều cao hơn, chiều rộng dải rừng Bần không cánh cần rộng > 100 m.
– Từ kết quả nghiên cứu của đề tài; ngày 01/11/2021 Tổng cục Lâm nghiệp đã ra Quyết định số 244/QĐ-TCLN-KH&HTQT công nhận tiến bộ kỹ thuật nhân giống cây Bần không cánh từ hạt; kỹ thuật trồng Bần không cánh đã được xây dựng và đưa ra ở phần phục lục.