VIỆN NGHIÊN CỨU SINH THÁI VÀ MÔI TRƯỜNG RỪNG
RESEARCH INSTITUDE FOR FOREST ECOLOGY AND ENVIRONMENT

NGHIÊN CỨU CHỌN GIỐNG VÀ KỸ THUẬT GÂY TRỒNG CÂY ƯƠI (SCAPHIUM MACROPODUM) NHẰM MỤC ĐÍCH LẤY QUẢ (GIAI ĐOẠN 2: 2013 – 2017).

  1. THÔNG TIN CHUNG

– Tên đề tài/dự án:  Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật gây trồng cây Uơi (scaphium macropodum) nhằm mục đích lấy quả (giai đoạn 2: 2013 – 2017).

– Chủ nhiệm đề tài/dự án:  – TS. Lê Quốc Huy (2013 – 4/2014), TS. Đoàn Đình Tam (5/2014 – 12/2018)

– Tổ chức chủ trì đề tài/dự án: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt nam.

– Tổ chức thực hiện (nếu có): Viện nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng.

– Thời gian thực hiện đề tài/dự án: 2013 – 2018.

2. MỤC TIÊU

2.1 Mục tiêu tổng quát: Nhằm nghiên cứu phát triển và quản lý cây Ươi (Scaphium macropodum) như loài cây lấy quả trong các vườn rừng.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

– Chọn được một số giống tốt có năng suất quả cao: tối thiểu 01 xuất xứ và 03 dòng Ươi có triển vọng/vùng (5 dòng triển vọng/03 vùng),

– Xác định được kỹ thuật nhân giống và gây trồng cây chiết, ghép.

3. NỘI DUNG

–  Khảo sát chọn cây trội Ươi.

– Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống vô tính cây Ươi bằng chiết, ghép từ các cây trội chọn lọc

– Khảo nghiệm dòng vô tính cây Ươi

– Khảo nghiệm xuất xứ

– Nghiên cứu kỹ thuật trồng cây Ươi chiết, ghép

– Phân tích thành phần dinh dưỡng & dược tính quả Ươi

– Tổng hợp xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật nhân giống và kỹ thuật gây trồng cây ươi chiết, ghép

4. KẾT LUẬN 

– Đã điều tra, tuyển chọn được 53 cây trội Ươi có các chỉ tiêu về đường kính vượt từ 20,6% đến 216,4%; chiều cao vượt từ 30,2% đến 38,6%; đường kính tán vượt từ 22,7% đến 57,7%; khối lượng quả vượt từ 43,7% đến 51,9% so với trung bình của lâm phần.

– Nồng độ IBA phù hợp nhất là 1.000ppm khi nhân giống vô tính cây Ươi bằng phương pháp chiết cành khi tỷ lệ ra rễ cao nhất (58,9%), có số rễ/cây nhiều nhất (13 rễ/cây), rễ dài nhất (trung bình 14cm).

– Ghép nêm trên gốc ghép 10 – 12 tháng tuổi với chiều dài hom ghép 6 – 8cm vào vụ xuân hè là thích hợp nhất khi tỷ lệ nảy chồi đạt từ 68,5% đến 87%, thời gian bắt đầu nảy chồi sớm nhất, sinh trưởng đường kính đạt từ 0,98cm đến 1,3cm, chiều cao đạt từ 23cm đến 26,8cm.

–  Đã tuyển chọn được các dòng cây vô tính có triển vọng tại Thừa Thiên Huế là: BTB6, BTB1 (cây chiết), TN8, NBT6, BTB2 (cây ghép); tại Quảng Nam là NTB8, TN2, NTB3 (cây chiết), NTB10, NTB6 (cây ghép); tại Gia Lai là TN2, TN9, NTB3 (cây chiết), TN11, TN8 (cây ghép).

– Đã lựa chọn được 3 xuất xứ có triển vọng là Kbang, Sa Thầy, Bắc Trà My. Trong đó: Sinh trưởng D= 2,8 – 2,9cm; Hvn = 206 – 214cm; Thể tích đạt từ 2,04– 2,2 dm3 vượt từ 50 – 61,0% so với đối chứng;

– Liều lượng phân bón thích hợp cho cây Ươi chiết, ghép là bón lót 20 kg phân chuồng hoai + 1 kg lân/hố và bón thúc 500g hữu cơ vi sinh + 250g NPK/hố. Ươi có thể trồng thuần loài tập trung và trồng phân tán trong vườn hộ.

– Hàm lượng Polisaccharide đạt cao nhất trong quả Ươi bay (18,15 – 19,4%).Hàm lượng Lipit tổng số đạt cao nhất trong quả Ươi bay (5,7 – 6,22%). Trong quả Ươi có thành phần của 9 loại Axit béo. Trong đó axit linoleic chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 40%). Không thấy xuất hiện Alkaloid trong các mẫu phân tích.

– Đã xây dựng và ban hành được 01 Tiến bộ kỹ thuật và 2 HDKT gồm: HDKT nhân giống vô tính cây Ươi bằng phương pháp chiết, ghép và HDKT gây trồng Ươi bằng cây chiết, ghép.